Không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt: Từ nhà ở nông thôn truyền thống đến căn hộ chung cư hiện đại
“Chim có tổ, Người có tông” – Phong tục thờ cúng tổ tiên là nét văn hoá tâm linh đã có từ lâu đời của người Việt Nam. Không gian thờ cúng được dùng trong các dịp: Lễ, giỗ chạp, tết nhất… để con cháu dâng hương tưởng nhớ tri ân công đức sinh thành dưỡng dục, tạo lập cơ nghiệp cho hậu thế của ông bà, cha mẹ và các bậc tiền nhân, giáo dục con cháu biết kính trọng hiếu đễ với tổ tiên, góp công sức đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây… Thực hiện tốt những việc đó sẽ làm cầu nối liên kết các thế hệ và gìn giữ gia phong của gia đình, dòng họ. Nơi thờ tự rất cần thiết trong đời sống tinh thần của mọi gia đình.
Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người, thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành. Chính vì vậy trong kiến trúc nhà ở từ truyền thống đến hiện đại, không gian thờ cúng luôn được nghiên cứu tổ chức một cách kỹ lưỡng, không gian thờ cúng luôn được lựa chọn là không gian chính trong căn nhà và được ưu tiên về các tiêu chí: Vị trí, hướng, không gian…
Quan niệm về tâm linh và không gian thờ cúng của người Việt Nam
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (hay còn được gọi là đạo ông bà) là tục lệ của nhiều dân tộc châu Á, đặc biệt phát triển trong văn hóa Việt Nam, văn hóa Trung Hoa, văn hóa Triều Tiên và Văn hóa Đông Nam Á. Đối với người Việt, phong tục thờ cúng tổ tiên trở thành một thứ tín ngưỡng. Đại đa số các gia đình đều có bàn thờ tổ tiên trong nhà, ít nhất là có treo di ảnh một cách trang trọng, nhưng không phải là một tôn giáo mà là do lòng thành kính của người Việt đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ. Đây là một tín ngưỡng rất quan trọng và gần như không thể thiếu trong phong tục Việt Nam.
Những người theo Thiên Chúa giáo, tuy không lập bàn thờ tổ tiên, vào ngày giỗ chạp họ vẫn cầu nguyện cho người đã khuất, việc không có bàn thờ tổ tiên chỉ là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa. Kể từ năm 1968, họ được Tòa Thánh Vatican cho phép thiết lập ban thờ tổ tiên như mọi gia đình Việt Nam khác. Thờ cúng tổ tiên do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ đã khuất mà thôi. Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục đã viết: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Người Việt vẫn quan niệm rằng, khi con người chết là chỉ mất đi phần xác, vong hồn của họ thì vẫn tồn tại, vẫn có thể viếng thăm, phù hộ cho người thân, cho dù người sống không nhìn thấy. Cũng vì vậy, việc thờ cúng ông bà là tập tục có từ cổ xưa. Nhiều người khi được hỏi về đức tin tâm linh vẫn nói là mình theo đạo thờ ông bà. Đức tin ấy được cụ thể hóa bằng bàn thờ tổ tiên trong mỗi gia đình Việt, không phân biệt giàu nghèo hay địa vị xã hội.
Nơi đặt bàn thờ tổ tiên thường ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Chính giữa ban thờ là bát hương tượng trưng cho vũ trụ, trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng; ở hai góc ngoài của bàn thờ bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải. Mỗi khi cúng, lễ gia chủ sẽ thắp đèn (đốt nến). Ngay sau bát hương thường có một cái đỉnh ba chân, nắp đỉnh được vẽ hình con lân với ý nghĩa sức mạnh bề trên kiểm soát tinh thần con cháu khi đứng trước bàn thờ.Trong những ngày giỗ, tết hay những ngày quan trọng của gia đình như cưới hỏi, thi cử, các gia đình thường thắp hương khấn lễ.
Có thể nói, mọi biến cố trong gia đình đều được gia chủ báo cáo với gia tiên. Không gian xung quanh nơi đặt bàn thờ sẽ là nơi con cháu trò chuyện, do đó khu thờ tự còn là nơi kết nối tình cảm gia đình. Đã bao thế kỷ trôi qua, cung cách và quan niệm thờ phụng tổ tiên của người Việt Nam xét theo góc độ nào đó đã có nhiều thay đổi nhưng ý nghĩa lớn nhất vẫn giữ nguyên.
Kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống và không gian thờ cúng
Nhà ở dân gian truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ thường là tổ hợp các ngôi nhà cấp 4 theo các bố đơn giản chữ “nhất”, chữ “nhị”, trong đó ngôi nhà chính được lấy làm trung tâm. Kiến trúc ngôi nhà chính thường được tổ chức không gian mặt bằng theo dạng “ba gian hai chái”, trong đó ba gian nhà chính thường được bố trí làm không gian thờ và không gian tiếp khách và không gian sinh hoạt chung của gia đình. Trong ba gian nhà chính thì nơi trung tâm nhất được lựa chọn làm không gian thờ cúng, bàn thờ tổ tiên thường được đặt trang trọng tại vị trí trung tâm này. Trong dân gian, quan niệm cho rằng vị trí đặt ban thờ thuận lợi nhất là tại đại sảnh, đối diện trực tiếp với cửa chính, để mỗi khi bước vào nhà đều nhìn thấy ban thờ. Nơi đó là chỗ tôn thờ, tưởng niệm cha ông, ra vào lúc nào cũng thấy trước mắt, khiến cho con người ta luôn hướng về nguồn cuội.
Dù có sự khác nhau đôi chút về hình thức, nhưng ở cả ba miền, không gian thờ cúng đều được đặt ở vị trí trung tâm, nơi trang trọng nhất trong mỗi gia đình. Ở miền Bắc, bàn thờ thường là một giá gỗ được gắn nơi bức tường trung tâm của ngôi nhà chính, ở tầm cao trên tay với của người lớn, mỗi lần hương khói người ta phải đặt ghế để đứng lên trong tư thế thành kính. Miền Trung và miền Nam, vị trí ấy là chiếc tủ thờ bằng gỗ, cao gần tầm đầu người lớn, được chế tác công phu.
Nơi đặt bàn thờ tổ tiên thường ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Chính giữa ban thờ là bát hương tượng trưng cho vũ trụ, trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng; ở hai góc ngoài của bàn thờ bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải. Mỗi khi cúng, lễ gia chủ sẽ thắp đèn (đốt nến). Ngay sau bát hương thường có một cái đỉnh ba chân, nắp đỉnh được vẽ hình con lân với ý nghĩa sức mạnh bề trên kiểm soát tinh thần con cháu khi đứng trước bàn thờ.Trong những ngày giỗ, tết hay những ngày quan trọng của gia đình như cưới hỏi, thi cử, các gia đình thường thắp hương khấn lễ.
Có thể nói, mọi biến cố trong gia đình đều được gia chủ báo cáo với gia tiên. Không gian xung quanh nơi đặt bàn thờ sẽ là nơi con cháu trò chuyện, do đó khu thờ tự còn là nơi kết nối tình cảm gia đình. Đã bao thế kỷ trôi qua, cung cách và quan niệm thờ phụng tổ tiên của người Việt Nam xét theo góc độ nào đó đã có nhiều thay đổi nhưng ý nghĩa lớn nhất vẫn giữ nguyên.
Tường sau không gian bàn thờ ở nhà khá giả là hoành phi, liễn đối bằng Hán tự, sơn son thiếp vàng, có nội dung nói lên công đức của người đã khuất. Ở gia đình bình dân thì đó là tranh thờ, thường là tranh dân gian vẽ ngũ quả, chiếc cuốn thư, cá chép vượt vũ môn hay các chữ như Phúc, Lộc, Thọ (bằng Hán tự). Bàn thờ thường được thiết lập ở gian giữa nhà chính (nhà trên), nếu không có thì có một nhà riêng để làm nhà Thờ. Cũng có thể bố trí gian bên trái từ ngoài sân nhìn vào. Những gia đình sang trọng thuộc lớp trung lưu thì đồ thờ gồm một bệ tam sự (Một cái lư (đỉnh), cặp chân đèn bằng đồng để cắm nến, hay một bộ ngũ sự có thêm lọ độc bình, chân bệ để đèn. Nếu là bộ thất sự thì có thêm ống đựng hương, ống cắm đũa…tất cả đều được đúc bằng đồng. Những nhà khá giả còn có đôi hạc đồng. Đồ thờ nếu không có điều kiện sắm bằng đồng thì làm bằng gỗ tiện và thường sơn đỏ. Thông thường người ta chia gian thờ thành 3 lớp. Lớp ngoài là bộ phận phản để mọi người làm lễ, không đặt phản thì để trống nền nhà, khi cần có thể bày thêm bàn ghế, hay trải chiếu. Lớp thứ hai là hương án, trên đặt bộ đồ tam sự hay ngũ sự, lớp thứ ba ở trong cùng mới thực sự là bàn thờ người đã khuất, trên để khám sơn son, bài vị, hộp hay ống đựng gia phả, khay đựng vật cúng, đài rượu và có thể có ảnh chân dung người đã khuất. Bát hương tốt nhất vẫn nên bằng kim loại: Đồng, vàng, bạc
Đối với không gian kiến trúc nhà ở nông thôn truyền thống, cửa bức bàn là một chi tiết kiến trúc không thể thiếu trong kết cấu nhà gỗ cổ truyền. Không chỉ dừng lại ở việc che chắn mưa, gió, bảo vệ gia chủ mà nó còn mang ý nghĩa văn hóa rất sâu sắc. Cửa bức bàn được thiết kế có bậc cấp phân biệt trong nhà với ngoài nhà. Bậc cấp được thiết kế một độ cao vừa phải, để người ngoài khi vào trong nhà phải cúi đầu để ý tránh vấp ngã, qua đó cũng thể hiện sự tôn trọng, tôn kính của người khách với chủ nhà và gia tiên trong nhà. Đây là một nét văn hóa rất sâu sắc của người Việt đã được duy trì qua rất nhiều thế hệ, và nó được thể hiện gián tiếp qua cách thiết kế bậc cấp nhà gỗ cổ truyền của người Việt.
Thực trạng không gian thờ cúng trong các khu chung cư
Do quá trình đô thị hóa, các không gian ở vì thế mà cũng thay đổi. Nhà ở dịch chuyển dần từ nhà ở riêng lẻ thấp tầng sang nhà ở chung cư cao tầng. Chính vì vậy, không gian thờ cúng tổ tiên tại nhà ở trong các đô thị hiện nay nói chung có nhiều thay đổi đặc biệt ở các căn hộ chung cư. Không gian nhà ở không còn được rộng như trước, vì vậy không còn mấy diện tích dành cho không gian thờ cúng như trong nhà ở truyền thống. Nhưng do quan niệm về mặt tâm linh và tín ngưỡng, các gia đình không thể bỏ qua việc bố trí những không gian thờ cúng vốn đã tồn tại từ nhiều đời nay trong không gian ở. Các gia đình làm những bàn thờ treo trên tường hoặc đặt những bàn thờ nhỏ dạng tủ ở các vị trí phù hợp với không gian chật hẹp của nhà ở đô thị. Việc thiết kế các không gian thờ cúng trong nhà ở hiện đại gặp rất nhiều bất cập, vừa không đúng với văn hóa truyền thống, lại không khoa học trong tổ chức không gian, này hầu như hoàn toàn tự phát theo quan niệm của mỗi gia đình, đặc biệt phụ thuộc vào một “ông thầy phong thủy” nào đó.
Xét theo góc nhìn văn hóa truyền thống, không gian thờ là một yêu cầu không thể thiếu trong văn hóa gia đình ở Việt Nam nói riêng và khu vực phương Đông nói chung. Vì vậy khi thiết kế nhà hay căn hộ, chủ nhà cần phải quan tâm và hiểu biết tới việc chọn vị trí và và thiết kế nội thất phòng thờ. Một thực tế là khi thiết kế các căn hộ chung cư vẫn chưa hề có những tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến không gian này. Chủ yếu hầu hết các hộ gia đình đều tự mò mẫm và sắp đặt không gian thờ cúng theo cảm tính. Chính vì lẽ đó, phải chăng ngày càng gia tăng các vụ hỏa hoạn trong các khu chung cư? Mặt khác, khi chưa tính toán đến những đặc thù của không gian này thì sự ảnh hưởng của khói nhang đến sức khỏe của gia chủ cũng chính là một vấn đề rất cần phải lưu tâm. Chính vì tính tự phát nên đôi khi không gian thờ cúng ở các nhà chung cư lại trở thành một khía cạnh khiến cho cấu trúc của căn hộ bị phá vỡ
Một vài suy nghĩ về không gian thờ cúng trong nhà ở truyền thống và chung cư hiện đại
Không gian thờ cúng xưa chiếm một diện tích rất lớn của căn nhà, và được đặt ở những vị trí trung tâm của căn nhà cho thấy tầm quan trọng và giá trị của nó trong đời sống người Việt. Ngày nay, không gian này ngày càng thu hẹp lại thậm chí có một số bộ phận đã lãng quên. Vì vậy, việc bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống cũng như không gian thờ cúng trong nhà ở truyền thống là một việc hết sức thiết yếu và quan trọng.
Đối với nhà ở hiện đại, đặc biệt là các căn hộ chung cư, khi thiết kế không gian thờ cúng, các KTS nên lưu ý và tham khảo các tiêu chí sau: Nơi thờ tự nên đặt vào vị trí độc lập, riêng rẽ. Nếu có điều kiện thì nên đặt ở phòng riêng. Nếu không có điều kiện thì có thể đặt ở phòng khách. Hướng bàn thờ cũng được người Việt rất quan tâm. Tuy nhiên, để phù hợp với phong thủy thì bàn thờ nên đặt ở hướng Tây Bắc của ngôi nhà hoặc căn phòng, bởi vì, đây là hướng tượng trưng cho trời (Càn). Thông thường theo đạo Phật hướng Nam là nơi của bát nhã, tức trí tuệ, hướng của sự sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà đặt bàn thờ hướng Tây vì quan niệm hướng này hợp với sự đối đãi của âm dương, nên yên ổn và phát triển, thần linh, tổ tiên được an tọa.
Không gian thờ cần trang nghiêm, tôn kính, trang trọng, thanh tịnh. Không đặt áp vào tường nhà tắm hoặc nhà vệ sinh. Bàn thờ cũng không đặt dưới nhà vệ sinh hoặc quay mặt vào nhà vệ sinh. Phòng thờ tránh nơi ồn ào, không thanh tịnh. Không đặt bàn thờ trên đường thông 2 cửa đi và không nên đặt gần cửa đi. Tránh đặt áp lưng vào cửa sổ. Tránh các vị trí đèn trần rọi thẳng xuống ban thờ. Tránh vị trí của quạt trần (động gió). Phòng thờ phải tạo được nhiều âm khí hơn là dương khí. Muốn vậy phòng thờ phải ít cửa sổ, ít ánh sáng vào phòng. Phòng thờ nên tối vào buổi sáng và lung linh vào buổi tối. Cần chú ý đến những giải pháp che chắn nắng với những không gian quá nhiều ánh sáng. Phòng thờ cần mát, không được nóng (nóng là dương khí), có thể đặt ở tầng nào cũng được miễn là mát.
Chất liệu tốt nhất của bàn thờ là: Gỗ gụ lào, gỗ sồi, gỗ mít, gỗ gụ , gỗ hương,… Màu sắc chủ đạo: Màu đỏ, nâu, vàng, óc chó,… Câu đối đại tự phải hợp với hoàn cảnh từng gia đình.