Hiển thị 1–20 của 683 kết quả

Khám Phá Văn Hóa Phòng Thờ Truyền Thống Việt
Trong suy nghĩ và tâm thức của người Việt nói riêng và phương Đông nói chung, phòng thờ cúng là một việc hết sức thiêng liêng và hệ trọng. Đó là một tín ngưỡng, và cũng là truyền thống đạo lý tốt đẹp. Nơi đặt bàn thờ, hay không gian tâm linh – tưởng nhớ đó luôn là một không gian ý nghĩa hàng đầu, có giá trị lớn lao trong đời sống tinh thần của con người.

Không gian truyền thống
Trong nhà ở dân gian – dù là nhà ba gian hay năm gian; vị trí của bàn thờ luôn được đặt vào gian giữa (trung cung của nhà) – nơi trang trọng nhất. Điều đó đã nói lên tầm quan trọng của việc thờ cúng trong cuộc sống và liên hệ trực tiếp với kiến trúc. Không gian tưởng nhớ này là thành phần chủ đạo trong không gian kiến trúc – nội thất, xét trên nhiều phương diện. Với bố cục như vậy, khi bước vào cửa chính (cửa giữa) là nhìn thấy ngay bàn thờ, phía trước thường là một bộ phản hay bàn ghế tiếp khách.

Hướng bàn thờ cũng là hướng nhà (đa phần là hướng nam). Tất cả hài hòa với không gian kiến trúc của ngôi nhà truyền thống có hiên, sân, vườn cây phía trước; cũng phù hợp với lối sống, sinh hoạt ở làng xã mang dấu ấn nông nghiệp.
Không gian thờ cúng trong kiến trúc truyền thống dường như đang mai một dần. Kiến trúc đô thị có nhiều thay đổi, nông thôn đang bị đô thị hóa mạnh mẽ. Những thay đổi đó đã tác động trực tiếp vào không gian kiến trúc mang yếu tố tâm linh này.

Không gian thờ cúng trong nhà ở hiện đại
Trong nhà ở hiện đại, tính chất, cấu trúc, diện tích đã thay đổi nhiều và rất đa dạng. Quan niệm xã hội, nhu cầu và thói quen sinh hoạt cũng có nhiều thay đổi, con người cũng tiếp cận với nhiều thông tin và cũng có nhiều quan điểm, tư duy khác xưa và khác nhau. Do vậy việc bố trí không gian thờ cúng cũng phong phú và đa dạng hơn. Cho dù cuộc sống có hiện đại đến đâu, kiến trúc có hiện đại như thế nào thì không gian thờ cúng – không gian tưởng nhớ vẫn không thể bỏ qua, thậm chí không được xem nhẹ. Thực tế đã cho thấy trong nhà ở hiện đại – nhất là các căn hộ chung cư, vấn đề tìm một nơi để làm không gian thờ cúng, hay nói cách khác – tìm vị trí đặt bàn thờ không hề đơn giản. Kể cả khi có vị trí đó rồi thì giải pháp thiết kế cụ thể vẫn cứ là thách thức với kiến trúc sư. Với nhiều kiến trúc sư trẻ, đôi khi họ mải mê với những không gian khác mà xao nhãng điều này. Vấn đề khó hơn ở chỗ: thứ nhất là
nhà ở trong đô thị khác nhà truyền thống ở nông thôn và không phải nhà nào cũng quay theo hướng nam; thứ hai là bây giờ chủ nhà “kỹ” hơn, thường yêu cầu người thiết kế bố trí mặt bằng sao cho được hướng bàn thờ, hướng bếp như họ mong muốn (do đi xem các thầy phong thủy, thầy địa lý). Về các vấn đề khác của phong thủy còn có thể có nhiều tranh luận, nhiều giải pháp; chứ hướng bàn thờ và hướng bếp mà chủ nhà đã yêu cầu là kiến trúc sư cứ “y án”. Chính vì vậy mà nhiều khi để đạt được “hướng”, bàn
thờ và bếp có thể nằm ở những vị trí rất vô lý cả ở góc độ công năng và thẩm mỹ kiến trúc. Tuy nhiên, bài viết này không đi sâu và các vấn đề phong thủy, tuổi mệnh gia chủ có liên quan, mà chỉ đề cập ở khía cạnh giải pháp kiến trúc – nội thất.

Những nơi có thể đặt bàn thờ
Thông thường, với những nhà lô (nhà phố), bàn thờ hay được đặt trong một phòng riêng. Để phù hợp cả yếu tố tâm linh và sinh hoạt thì phòng thờ là phòng trên cùng, dưới mái. Đây gần như là giải pháp phổ biến nhất, mà nếu chủ nhà không yêu cầu thì kiến trúc sư cũng thiết kế như vậy. Bàn thờ đặt trong phòng riêng gây cảm giác trang nghiêm, kín đáo, tĩnh lặng, lại thông thoáng; và nếu gần sân thượng lại càng thuận lợi cho việc cúng ngoài trời, hay hóa vàng… Tuy nhiên giải pháp này cũng có nhược điểm là khó khăn khi đi lên các tầng trên – nhất là đối với người già, hay gây tâm lý sợ hãi cho nhiều người trẻ khi tới đó một mình. Khoảng cách này cũng gây tâm lý xa cách đối với không gian thờ cúng, mà nhiều khi người ta lên đó như là “nghĩa vụ” vào mồng một, ngày rằm hay giỗ chạp. Còn trong các căn hộ chung cư, việc sử dụng một phòng dành riêng cho thờ cúng là rất khó vì các phòng không có nhiều. Vì lẽ đó, nhiều người đã tìm cách kéo gần không gian thờ cúng tới gần không gian sinh hoạt chung, không gian sảnh – tiền phòng, hay các phòng chức năng phù hợp khác. Thư viện, phòng làm việc, phòng trà, phòng sinh hoạt trang trọng
là những nơi phù hợp để có thể đặt bàn thờ. Không nên đặt bàn thờ ở những phòng sinh hoạt chung ồn ào như phòng multimedia, phòng thể thao. Cũng không nên đặt bàn thờ trong phòng ngủ vì không trang trọng và khói nhang ảnh hưởng sức khoẻ của người trong phòng; thêm nữa không gian thờ mang tính âm nên không phù hợp. Không gian thờ cúng không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà, dù to hay nhỏ, dù giàu hay nghèo.

Hài hòa với không gian chung
Nếu như phòng thờ là một phòng riêng biệt thì hệ thống tủ/ bàn thờ phải có quy mô và hình thức tương xứng trong không gian đó để tạo nên sự trang nghiêm. Không cần là quá hoành tráng về kích thước nhưng không nên “lọt thỏm”, nhỏ bé trong phòng. Những nơi bàn thờ đặt ở các không gian khác như phòng sinh hoạt chung, phòng làm việc… cần thiết kế phù hợp về tỷ lệ với kích thước phòng, và tương quan với các đồ nội thất khác. Ở những không gian này, tủ/ bàn thờ nên được thiết kế đơn giản, tránh cầu kỳ lạc lõng, hay gây cảm giác nặng nề e sợ. Bàn thờ phải tạo được sự tôn nghiêm mà vẫn gần gũi với những người
trong gia đình và các sinh hoạt chung khác. Vật liệu và màu sắc của không gian thờ cúng cũng phải phù hợp. Nên sử dụng các màu trầm, tốt nhất là màu gỗ nâu sậm. Các chi tiết kiến trúc – nội thất (lát sàn, trần, chiếu sáng…), các vật dụng, đồ thờ (bát nhang, đèn nến, lọ hoa…) nên bày theo lối đăng đối. Ở các căn hộ chung cư, trong trường hợp tủ thờ để ở phòng chức năng nào đó hay không gian chung, thì tủ thờ có thể kết hợp với chức năng khác như tủ trang trí, tủ bày đồ lưu niệm – tất nhiên vẫn trên nguyên tắc phù hợp với không gian chung và các đồ nội thất khác. Ở tủ này nên có một ngăn riêng để các đồ thờ cúng liên quan như nhang, nến, gia phả…

Những điều cần lưu ý
Khi thiết kế hay bài trí, sắp đặt cho không gian thờ cúng, phải lưu ý một số vấn đề sau:
– Tránh đặt bàn thờ gần luồng hút gió mạnh, gây “động” và có thể thổi tàn lửa nhang ra chỗ khác gây cháy. Mặt bàn thờ nên đặt một tấm kính để bảo đảm an toàn.
– Không gian đặt bàn thờ phải đủ thông thoáng. Không nên đặt bàn thờ cao quá gây khó khăn cho việc thờ cúng, cũng không nên đặt thấp quá thiếu trang nghiêm. Trong các trường hợp bàn thờ treo hay tủ thờ cao, phải đảm bảo khoảng cách tới trần không nhỏ quá, tránh quẩn khói và gây ám vàng trần. Để khắc phục điều này, có thể gắn một tấm kính ở phía trên trần.
– Chiếu sáng trong phòng thờ và trên bàn thờ không nên sử dụng ánh sáng trắng mà nên sử dụng ánh sáng vàng, gây cảm giác ấm cúng; nguồn sáng gián tiếp, tránh gây chói như đèn hắt tường. Bố trí chiếu sáng nên đăng đối theo bàn thờ. Kiểu dáng, chất liệu của đèn cũng cần phù hợp với tủ thờ và không gian chung.
– Đặc thù của không gian thờ cúng là u tịch, hoài niệm, làm thịnh âm. Tuy nhiên nhà ở thuộc về dương nên cần làm tăng tính dương bằng cách đặt chậu cảnh, treo phong linh…

Không gian tâm linh – sợi dây kết nối
Thờ cúng là một tín ngưỡng và cũng là một tập quán tốt đẹp. Bàn thờ, không gian thờ cúng là không gian tâm linh, là nơi tưởng nhớ. Đó là sợi dây kết nối giữa hiện tại và quá khứ, giữa những con người đang sống với nhau, thắt chặt tình đoàn kết trong gia đình – họ tộc. Đó là nơi để người ta có thể tĩnh tại sau những xô bồ của cuộc sống, tìm thấy sức mạnh tinh thần và hướng tới những giá trị chân – thiện – mỹ. Không gian thờ cúng không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà, dù to hay nhỏ, dù giàu hay nghèo. Nhưng để không gian này thực sự có ý nghĩa, thì yếu tố vật chất kiến trúc là chưa đủ. Phòng thờ to rộng; tủ thờ hoành tráng, đẹp, cầu kỳ… chỉ là thứ yếu; mà quan trọng hơn là cái tâm, sự thành kính của gia chủ – thái độ ứng xử của mỗi con người
trước không gian tâm linh – tưởng nhớ này.